Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%.
Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%.
Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, ngành xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều biến động và thách thức do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam trong khoảng thời gian này đã đạt 75,2 tỷ USD, với giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục từ năm 2019 đến năm 2022. Mặc dù năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa đã giảm 4,35% so với năm trước, nhưng cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt mức xuất siêu cao 28 tỷ USD, tăng 129,5% so với năm 2022.
Bảng 1: Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2019-2023
Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ổn định và ấn tượng, giá trị xuất siêu đạt 10,9 tỷ USD. Các ngành hàng chiến lược như dệt may, điện tử, nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đã đóng góp lớn vào GDP và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động. Việt Nam đã chủ động tìm kiếm cơ hội mới trong thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm nhu cầu tiêu thụ từ các đối tác quốc tế và hạn chế vận chuyển hàng hóa. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặt ra nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nhờ vào chính sách quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành xuất khẩu đã duy trì tăng trưởng ổn định. Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” khi vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2020 đạt 545,2 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2019. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 282,6 tỷ USD, tăng 6,96% so với năm 2019. Kết quả này thể hiện sự cố gắng của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc xây dựng các giải pháp ứng phó với tình huống đại dịch Covid-19, đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục đương đầu với những thách thức từ đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế toàn cầu không ổn định. Thương mại toàn cầu giảm sút, bảo hộ mậu dịch gia tăng, xuất khẩu của nhiều quốc gia giảm đi. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Sự thành công này đạt được nhờ vào sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ cùng với doanh nghiệp, giúp ngành xuất khẩu của Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển.
Trong năm 2022, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga gây ra sự đứt gãy nguồn cung cho nhiều mặt hàng; Trung Quốc tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa kéo dài; lạm phát tăng cao ở hầu hết các nền kinh tế và lãi suất được tăng mạnh để kiềm chế lạm phát. Trước tình hình này, Việt Nam tiếp tục tăng cường hoạt động xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội mới trên thị trường quốc tế. Các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu được triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành xuất khẩu. Kết quả cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu, với thặng dư hàng hoá đạt 12,2 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,7 tỷ USD, tăng 10,52% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023 đã giảm 4,35% so với năm trước, xuống còn 355,5 tỷ USD. Nguyên nhân chính của việc này là do tình hình thế giới tiếp tục phức tạp và khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp. Nhiều quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng chậm lại. Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, khiến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao, dẫn đến sự suy giảm về nhu cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia có mức độ mở cửa kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tăng giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, và biến động trong tỷ giá cũng góp phần vào việc làm giảm lợi nhuận từ xuất khẩu và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023
Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển tích cực. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã giúp đưa sản phẩm của Việt Nam đến nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm:
Hoa Kỳ: Là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2019 đến năm 2023 đạt mức bình quân 27,16% mỗi năm.
Trung Quốc: Với dân số đông và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ lớn và quan trọng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Giá trị trung bình kim ngạch xuất khẩu hàng năm vào thị trường Trung Quốc đạt 50,779 tỷ USD.
Liên minh châu Âu (EU): với Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) tạo ra cơ hội mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
ASEAN: Các quốc gia trong khu vực này là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, mối quan hệ thương mại giữa hai bên đang được củng cố.
Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là 2 thị trường trọng điểm với các mặt hàng chủ yếu như máy tính, điện thoại, linh kiện công nghệ, máy móc, thiết bị, dệt may và sản phẩm điện tử.
Ngoài các thị trường đã đề cập, Việt Nam cũng xuất khẩu sang một số thị trường khác như Úc, Ấn Độ, Ucraina và nhiều quốc gia khác.
Đại dịch Covid-19 đã bùng phát từ đầu năm 2020 và gây tác động tiêu cực chưa từng có đến nền kinh tế thế giới, bao gồm cả xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đã giảm mạnh, ví dụ như EU giảm 1,1%, ASEAN giảm 1,38%, Nhật Bản giảm 0,9%, Hàn Quốc giảm 0,74% và các thị trường khác giảm 1,58%. Tuy nhiên, đến năm 2022, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia đã khôi phục và tăng trưởng ổn định.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023
Cấu trúc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang được cải thiện tích cực, với việc giảm hàm lượng xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các mặt hàng đóng góp lớn vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bao gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; nông sản, thủy sản; dệt may và giày dép các loại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mặt hàng điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu với hơn 50 tỷ USD.
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đạt tốc độ tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng từ 24,3% vào năm 2020, năm 2021 tăng 14,0%; năm 2022 tăng 9,3% và tăng 3,2% vào năm 2023.
Ngành dệt may và giày dép chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020, với ngành dệt may giảm 4.040 triệu USD và ngành giày dép giảm 1.524 triệu USD. Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới và thứ hai về số lượng sau Trung Quốc và Italia.
Nông sản và thủy sản đều là những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của đất nước. Các mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam bao gồm gạo, cà phê, rau quả, hạt điều, chè, cao su, tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn. Ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đã đạt nhiều thành tựu lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Với vốn đầu tư không lớn và sử dụng hiệu quả điều kiện tự nhiên và xã hội, ngành thuỷ sản đã phát triển mạnh mẽ, mang về nguồn ngoại tệ lớn hỗ trợ cho việc tái đầu tư và công nghiệp hoá đất nước.
Hạn chế, thách thức đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam trong thời điểm hiện nay
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, ngành xuất khẩu của Việt Nam đang đối diện với nhiều hạn chế và thách thức. Một trong những hạn chế lớn nhất là sự phụ thuộc quá mức vào các thị trường xuất khẩu chính, khiến cho ngành xuất khẩu dễ bị tác động bởi biến động của thị trường quốc tế. Các thị trường lớn bị co lại do khủng hoảng kinh tế, trong khi các thị trường nhỏ mới mở rộng không đủ để cân bằng tác động.
Các yếu tố như tỷ giá hối đoái, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước, sự ưu ái hàng hóa nội hoặc ngoại của người dân, cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đều góp phần vào việc giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Sự suy giảm trong kinh tế thế giới đang ảnh hưởng rõ rệt đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu trên thế giới giảm đã gây khó khăn cho các ngành công nghiệp như dệt may, điện tử, gỗ... trong việc ký kết hợp đồng. Ngành nông sản của Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Dầu thô, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam, cũng gặp khó khăn khi giá dầu thô thế giới giảm và thị trường biến động. Nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hoá tiêu dùng và xuất khẩu cũng giảm do nhu cầu giảm, khó ký kết hợp đồng mới và sản xuất chững lại.
Thách thức khác đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam là vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế đòi hỏi sự đầu tư lớn vào công nghệ, quản lý chất lượng và đào tạo lao động chất lượng cao. Ngoài ra, các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường và bảo vệ lao động cũng đặt ra thách thức đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu cũng là một thách thức đáng kể. Việt Nam cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, phát triển xuất khẩu được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các nước. Việt Nam nên chú trọng phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.
Dự kiến năm 2024, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục không ổn định, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam giảm sút và thương mại toàn cầu thu hẹp. Đối phó với tình hình này, Việt Nam cần áp dụng chính sách linh hoạt để nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu trong bối cảnh thị trường quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ và khó lường. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cần áp dụng một số giải pháp sau: Đầu tư vào nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm: Tăng cường nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu thông qua việc đầu tư vào công nghệ, nâng cao quy trình sản xuất, thiết kế sản phẩm sáng tạo và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Mở rộng thị trường xuất khẩu: Tìm kiếm và khai thác thêm các thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ để giảm rủi ro và tăng cơ hội tiếp cận khách hàng mới.
Tăng cường quảng bá thương hiệu: Đầu tư vào chiến lược quảng bá thương hiệu hiệu quả để tăng cường uy tín và nhận diện thương hiệu của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu: Cung cấp hỗ trợ về thông tin thị trường, chính sách hỗ trợ xuất khẩu, giải pháp về vận chuyển, thanh toán và các vấn đề pháp lý để giúp doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động hiệu quả.
Phát triển chuỗi cung ứng: Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng đồng bộ và hiệu quả từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất và xuất khẩu để tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để nắm bắt cơ hội và thách thức trong môi trường xuất khẩu đa dạng và cạnh tranh./.
Bộ Công Thương (2019 - 2022). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2019 - 2022. Nhà xuất bản Hồng Đức
Quốc Hội (2005). Luật Thương mại số 36/2005/QH11. Ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005
ThS. Ngô Thị Thoại An - ThS. Bùi Thanh Linh Tuyền ThS. Đặng Thị Bảo Ngọc - Cn. Nguyễn Thị Tuyết Hương
Đại học Kinh tế TP. HCM, phân hiệu Vĩnh Long